CHUYỆN NGÀNH - TẤT TẦN TẬT VỀ NGÀNH QUẢN TRỊ DU LỊCH & KHÁCH SẠN
Ngành du lịch khách sạn học gì, xin việc ra sao đặc biệt ở nước ngoài, cần kĩ năng, kiến thức gì? Chị đã có tất cả câu trả lời cho mọi người qua bải phòng vấn với bạn Thu đang làm Quản lý ở 1 khách sạn 5 sao ở New Zealand. Bài hơi dài mà lại siêu hay nên cả lưu, share, tag bạn nhé. Các bạn học, làm ngành này có cảm nhận như thế nào và Schofans muốn chị phỏng vấn thêm ngành gì nữa thì comment nha.
1. Về Thu
Chào chị và độc giả, tên mình đầy đủ là Phạm Minh Thu, năm nay mình 26 tuổi. Mình sang New Zealand học từ đầu năm 2011, đồng nghĩa với việc mình hoàn thành 2 năm Trung Học Phổ Thông và 3 năm Đại Học trên “vùng đất của dải mây trắng dài” này. Mình chọn ngành Quản Lí Khách Sạn và Du Lịch, tốt nghiệp từ năm 2016 và làm trong ngành đến thời điểm hiện tại. Sau 4 năm làm việc, hiện giờ mình đang nắm vị trí quản lí bộ phận nhà hàng và lễ tân (Food & Beverage/Front of House Manager) trong 1 khách sạn 5 sao tên Fiordland Luxury Lodge ở 1 thành phố nhỏ xinh xanh mướt nằm phía Nam Tây của đảo Nam New Zealand tên Te Anau. Nhờ vị trí địa lí của Te Anau, ngành du lịch và nông nghiệp là 2 mảng thiết yếu cho nền kinh tế địa phương và quốc gia, Te Anau là nơi nghỉ chân cho vô số khách du lịch khi thăm quan vườn quốc gia Fiordland, các vịnh hẹp nổi tiếng (Milford, Doubtful và Dusky) và nhiều núi băng tuyết vĩnh cửu, v.v.
2. Lí do chọn ngành Hospitality
Thú thật là lúc mình vừa tốt nghiệp THPT xong, mình không phải ngay lập tức định hướng được ngành mình muốn theo đuổi và trường mình muốn theo học. Thời điểm đó mình có 2 tháng nghỉ để quyết định trường Đại Học mình muốn ghi danh, mình dành thời gian suy ngẫm và nhận thấy ngành Quản Lí Khách Sạn và Du Lịch phù hợp với tính cách của mình nhất, vì đơn giản mình thích cảm giác giúp đỡ người khác, nên mình muốn trở thành cá nhân có ích, có khả năng hướng dẫn, truyền kinh nghiệm và để lại kỉ niệm đẹp cho khách du lịch. Hospitality là ngành rất phát triển, lại có thể mở ra nhiều cánh cổng cơ hội cho nhiều công việc đa dạng khác nhau, thu nhập lại ổn định nên để theo đuổi ngành này là một quyết định dễ dàng.
3. Cách chọn trường như thế nào và lí do chọn trường PIHMS
Khi quyết định muốn đi du học, thời điểm đó các nước để đi du học nổi tiếng được biết đến là Mỹ, Anh, Úc, Đức, v.v. chứ ít ai nghĩ đến New Zealand. New Zealand bỗng trở thành một địa điểm “sáng giá” vì ba mẹ mình biết NZ là đất nước nổi tiếng đẹp và thanh bình, mình lúc ấy mới 16 tuổi nên ba mẹ mình muốn mình được sống trong một môi trường an toàn, ít xô bồ để yên tâm học tập. Bản thân mình thì chưa 100% chắc chắn về lựa chọn NZ cho đến khi mình được sang NZ thăm quan một số trường trước khi đưa ra quyết định. Phải nói là NZ đẹp ngoài sức tưởng tượng của mình, mình lại đặc biệt thích thiên nhiên và hoạt động ngoài trời nên đây là 1 điểm cộng lớn. Chưa kể đến các ngôi trường mình thăm có rất nhiều bộ môn thú vị, mình được tự do chọn những bộ môn mình hứng thú và thấy phù hợp, ngoài ra còn nhiều câu lạc bộ và hoạt động ngoại khóa rất hay. Nhưng lí do chính mình chọn NZ hơn cả là con người NZ (hay còn gọi là người Kiwi), cộng đồng người Kiwi quá đỗi thân thiện, đi bất cứ đâu cũng là những nụ cười và lời chào, đôi khi chỉ là thoáng qua, đôi khi là cả một cuộc làm quen, nhưng bỗng dưng khiến cho ý nghĩ sống 1 mình xa nhà bớt cô độc và đáng sợ hơn. Còn với PIHMS, mình biết đến PIHMS là qua mối quan hệ bạn bè từ THPT, PIHMS có danh tiếng tốt trong ngành và chương trình học tập nghe rất hấp dẫn khi trường tạo điều kiện cho học sinh được đi thực tập hưởng lương. Với mình, việc thực tập hưởng lương vừa cho sinh viên bỏ túi kinh nghiệm làm việc thực tế trước khi ra trường lại giúp sinh viên có cơ hội kiếm thêm thu nhập. PIHMS không phải là trường Hospitality duy nhất nhưng là 1 trong 2 trường Hospitality duy nhất ở NZ có trương trình thực tập hưởng lương như vậy. PIHMS lại là trường duy nhất ở NZ sử dụng mô hình khách sạn tiêu chí 4 sao làm trường học và có các bằng cầp từ cao đẳng, đại học tới thạc sĩ. Sau này ra trường, mình lại càng tự tin hơn về quyết định chọn trường của mình khi mà quá trình tìm việc của mình trở nên quá ư nhẹ nhàng với bằng tốt nghiệp của PIHMS. Mình cũng không tốn quá nhiều thời gian làm quen với công việc khi mình đã có kinh nghiệm làm việc thật trong môi trường khách sạn thật trước tốt nghiệp.
4. Chuẩn bị xin việc
Trước tốt nghiệp tầm 1 tháng mình bắt đầu gửi đơn xin việc, đồng thời cùng lúc mình phải xin visa đi làm thời hạn 1 năm hậu tốt nghiệp (bây giờ thì visa này có thời hạn 3 năm do luật thay đổi). Vì mình vẫn ở trong trường nên phương tiện dùng để xin việc của mình là qua mạng, có khá nhiều trang tìm việc ở NZ các bạn có thể dùng (Seek, Trademe,v.v.). Cũng vì vậy khi nhận được phỏng vấn, hầu như mình được phỏng vấn qua điện thoại hoặc qua Skype, giao tiếp thì bằng email. Để đảm bảo độ thành công cao nhất của quá trình xin việc, đầu tiên thì hồ sơ làm việc phải chỉnh chu đã, vì ấn tượng đầu tiên về bạn với quản lí nhân sự của 1 khách sạn nào đó là cái hồ sơ, mình thì thích giữ hồ sơ ngắn gọn nhưng đầy đủ, dùng để nhấn mạnh những ưu điểm của bản thân cũng như kinh nghiệm mình có trong tay (kĩ năng upselling bản thân thì mình cũng được đào tạo từ PIHMS). Nếu được nhận phỏng vấn, mà đặc biệt là phỏng vấn có webcam, mình sẽ chuẩn bị quần áo, đầu tóc và kĩ năng giao tiếp đến độ chuyên nghiệp nhất có thể theo tiêu chuẩn ngành. Khâu phỏng vấn là lúc khách sạn tìm hiểu hơn về con người bạn và ngược lại, nên mình tránh thế quá bị động, chuẩn bị trước câu hỏi cho người phỏng vấn để hiểu sâu hơn về môi trường và lợi ích nơi làm việc. Đây là kinh nghiệm tìm việc của chỉ bản thân mình nên tất nhiên quá trình này không chỉ giới hạn ở trao đổi qua mạng, mình có rất nhiều bạn học cùng trường giành thời gian du lịch các thành phố họ muốn sinh sống và đến từng các khách sạn một để nộp đơn và nhận phỏng vấn mặt đối mặt trực tiếp.
5. Để theo được ngành này các bạn sinh viên cần có những kiến thức, kĩ năng gì
Kiến thức và kĩ năng để theo đuổi ngành Hospitality thì sẽ được trau dồi trong quá trình học, chứ không nhất thiết phải sẵn có khả năng thì mới theo, cái chính là mình thật sự thích và có cam kết với ngành. Mình được trang bị kiến thức về độ phát triển, lịch sử và sự thay đổi trong ngành du lịch và khách sạn qua nhiều giai đoạn khác nhau của các nước nói riêng và cả toàn cầu nói chung. Vì mình sống ở NZ, mình cũng phải tìm hiểu thị trường du lịch của NZ. Nên nhận biết đại đa số khách du lịch từ đâu tới để tránh sốc văn hóa và tìm tiếng nói chung, tạo ấn tượng tốt cho những con người muốn am hiểu hơn về đất nước xa lạ với họ mà mình có cơ hội được sống và có lợi thế về kiến thức để giao lưu phong tục và kinh nghiệm. Với ngành Hospitality, có rất nhiều kĩ năng cần nắm bắt trong tay khi bắt đầu đi làm, với mình thì kĩ năng giao tiếp là quan trọng nhất vì giao tiếp là “chìa khóa” để bộ máy khách sạn hoạt động trơn tru từ trong ra ngoài. Được cái là riêng về kĩ năng giao tiếp mình thấy càng siêng nói, “step out of your comfort zone”, thì mình lại càng cải thiện được nhiều, càng về sau càng trở nên tự nhiên hơn khi nói chuyện (mình nói vậy vì mình thuộc bản tính rụt rè, nhờ học ngành này mình mới tiến bộ). Ngoài ra thì theo ngành còn có cơ hội nạp thêm vô số những kĩ năng như máy tính, kế toán, tiếp thị, quản lí, tổ chức, sự kiện, truyền thông v.v.
6. Những lựa chọn nghề nghiệp khác nhau sau khi tốt nghiệp xong ngành này
Mình thấy tương đối nhiều đấy, mình thì vẫn thích khách sạn vì riêng mảng khách sạn cũng đã đa dạng lắm rồi, tùy vào thị trường từng khách sạn nhắm đến thì mô hình khách sạn có thể lớn hoặc nhỏ, môi trường chuyên nghiệp hơn hay thoải mái nhẹ nhàng hơn, giá cả cao hơn hay thấp hơn, v.v. dẫn đến trách nhiệm và công việc chính cũng khác. Chưa kể đến là còn bao nhiêu bộ phận trong 1 khách sạn để khám phá và thử sức nữa. Nhưng nếu không phải là khách sạn thì các bạn vẫn có thể theo đuổi các công việc khác như làm trong ngành hàng không, làm trong mảng hướng dẫn và tư vấn du lịch, làm mảng nhà hàng, hoặc trở thành người tổ chức sự kiện, v.v.
7. Một ngày làm việc của bạn như thế nào hay trải nghiệm của bạn khi làm việc ở NZ
Làm mảng khách sạn như mình thì không có giờ hành chính, nên tùy vào độ bận và đông khách của khách sạn mà ngày làm việc của mình có thể từ 8 tiếng đến 12 tiếng lận. Nhiệm vụ chính của mình với vị trí hiện tại là chào đón khách đến khách sạn, giao tiếp và tư vấn để giúp khách đặt hoạt động tham quan địa phương, trả lời điện thoại đặt phòng, giao tiếp với nhà bếp chuẩn bị đồ ăn cho khách, giám sát nhân viên để đảm bảo chất lượng dịch vụ, đánh giá giấy tờ doanh thu. Thi thoảng thì mình cũng đứng ra tổ chức event nếu có dịp. Làm việc ngành Hospitality ở NZ có cái cũng ngộ là bạn tương tác với các bạn từ nhiều nước khác nhau hơn chính dân bản địa, tất nhiên là có nhiều người Kiwi làm ngành Hospitality và đi du lịch trong nước nhưng không nhiều bằng người quốc tế. Mình thì thích điểm này vì khi kết bạn với người quốc tế mình học được nhiều điều về các văn hóa khác nhau, trong tương lai xa gần còn có được “hướng dẫn viên du lịch miễn phí” khi đi thăm quan nhiều nước nữa chứ hi hi
8. Lời khuyên, lời động viên nào cho các bạn muốn theo đuổi ngành này
Ngành Hospitality and Tourism là ngành mình thấy thực sự rất hay, rất đa dạng và thú vị, nhờ vào theo đuổi ngành này mà mình học được nhiều kĩ năng sống và mình rất yêu thích công việc hiện tại của mình vì chẳng có ngày nào giống ngày nào cả nên không chán được. Nhưng, mình cũng muốn nói đây là một ngành tương đối vất vả, phải rất linh hoạt làm nhiều việc và có nhiều trách nhiệm cùng một lúc, giờ làm cũng tương đối dài, nên nếu ai chỉ mới hứng thú thôi mà chưa chắc mình có đam mê thì nên tìm hiểu rất rất kĩ về ngành trước khi quyết định theo đuổi. Các bạn có thể nói chuyện và nhận tư vấn từ những cựu học sinh trong ngành để hiểu rõ hơn tính chất của ngành. Còn cho những bạn đã chắc chắn 100% mình muốn theo ngành, thì tin vui là so với hồi mình đi học, mình được biết đã có rất nhiều trường cung cấp học bổng để tạo điều kiện hơn cho sinh viên ở NZ. Mình chúc các bạn gặp thành công với quyết định của mình.
Các bạn muốn kết nối thêm với trường của Thanh & tìm hiểu về ngành, chương trình học thì đăng ký link này nhé, chị nhắn mấy chị bên trường tư vấn thêm cho: https://forms.gle/eFeecP8hvJCAEaKd9
<3 Like page, tag và share bạn bè nha <3
#HannahEd #sanhocbong #duhoc #scholarshipforVietnamesestudents #HannahEdJob #careertalk #nganhdulich #hospitality
同時也有10000部Youtube影片,追蹤數超過2,910的網紅コバにゃんチャンネル,也在其Youtube影片中提到,...
nganhdulich 在 Góc tối của ngành Quản Trị Du Lịch Và Lữ Hành - YouTube 的推薦與評價
Góc tối của ngành Quản Trị Du Lịch Và Lữ Hành | Học du lịch trường nào tốt| người yêu mới. 8.6K views · 5 months ago #nghenghiep # dulich # ... ... <看更多>